Bị bắt và qua đời ở Kim Tống Huy Tông

Tết nguyên đán năm đó, Oát Li Bất suất quân nam hạ lần nữa. Bọn Thái Kinh, Vương Phủ đua nhau xem ai chạy trước, bản thân thượng hoàng cũng tìm đường bỏ chạy. Thái Du, Vũ Văn Hư Trung đưa thượng hoàng chạy về hướng đông. Đang trên đường đi, sắp qua cầu, bọn vệ sĩ ùa lên theo. Đồng Quán sợ đi chậm thì người Kim đuổi đến, bèn bắn tên chặn họ lại[27]. Sau đó Thượng hoàng từ Bạc châu chạy về Nam Kinh. Lúc này triều đình giết bọn Vương Phủ, Thái Kinh, Đồng Quán; dùng Lý Cương làm tướng; chống giữ quyết liệt; đến tháng 2 thì người Kim phải lui.

Đào cưu đồ ("Chim cưu trên cành đào", 桃鳩图) của Tống Huy Tông.

Tháng 4 năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), Thượng hoàng nghe tin chiến sự đã yên, liền về kinh. Sau đó người Kim lấy cớ Tống muốn khôi phục Khiết Đan mà lại tiến hành nam tiến. Tháng 11, hai lộ quân Kim tiến xuống phía nam. Lúc này Lý Cương bị bãi chức, Chủng Sư Đạo tử chiến, nên thực lực của triều Tống không còn được bao nhiêu. Quân Kim nhiều lần tấn công vào các cửa trong thành Biện Kinh, quân Tống chịu một số thiệt hại. Bên ngoài, người Kim cũng phá được nhiều châu quận ở Hà Bắc. Về sau người Kim đánh một trận lớn vào thành, Lục giáp binh ra chống và bị đánh tan tác. Bấy giờ có Quách Kinh tự xưng biết dùng pháp thuật có thể đánh lui quân Kim. Kinh liền mở cửa Tuyên Hóa, không giao chiến với quân Kim mà bỏ trốn. Quân Kim thừa thắng đánh mạnh vào thành, vào Nam Huân Môn, thống chế Diêu Hữu Trọng tử chiến, Lưu Diên Khánh cũng bị chết; ngoài ra còn có Hà Khánh Ngôn, Trần Khắc Lễ, Hoàng Kim Quốc... Thành Biện Kinh bị phá. Đó là ngày 25 tháng 11 nhuận năm Tĩnh Khang thứ nhất, tức 9 tháng 1 năm 1127.

Tống Khâm Tông sang trại Kim bàn chuyện hòa nghị, bị Kim bắt đi. Niêm Một Hát đòi lập thái tể Trương Bang Xương làm vua Trung Nguyên thì chúng mới rút quân. Lại bức thượng hoàng, thái hậu ra khỏi kinh thành. Trương Thúc Dạ ngăn lại, thượng hoàng thở dài và có ý tự vẫn bằng thuốc độc. Đô tuần kiểm Phạm Quỳnh ép Thượng hoàng, Thái hậu, Vận vương Khải và phi tần, công chúa... và toàn bộ hậu cung ra khỏi thành. Chỉ có Nguyên Hựu hoàng hậu Mạnh thị đã bị phế, Khang vương Triệu Cấu ở bên ngoài và một số công chúa sơ sinh không bị bắt đi. Niêm Một Hát lấy bản kê khai tên họ phi tần, tông thất khoảng 3000 người, bắt Thượng hoàng, Khâm Tông mặc quần áo người Hồ. Trương Bang Xương được lập làm Sở đế ở Trung Nguyên.

Ngày 9 tháng 1 năm 1127 sau nhiều ngày của các vụ cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát, quân Kim đưa Thượng hoàng, Khâm Tông và phần lớn tông thất cùng một số quan lại về phương bắc. Tuy nhiên, không lâu sau một người con trai thứ của Huy Tông là Triệu Cấu đã được đưa lên ngôi hoàng đế vào tháng 5 năm 1127, tức là Cao Tông nhà Nam Tống.

Ngày 20 tháng 3 năm 1127, Kim Thái Tông hạ lệnh phế Thượng hoàng và Khâm Tông làm thứ nhân, sau đó ông bị đưa đến kinh đô nước Kim vào 21 tháng 8 năm 1128, sau đó bị ép phải mặc áo xô gai vào lạy ở miếu Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả rồi bị giải vào triều, bị vua Kim làm nhục. Kim Thái Tông phong ông làm Hôn Đức công, Khâm Tông là Trọng Hôn hầu, sau đó dời hai cha con đến Hàn châu ngày 26 tháng 10 năm đó. Tháng 7 năm 1130, Hôn Đức công bị đưa đến thành Ngũ Quốc (Nay thuộc huyện Y Lan, tỉnh Bắc Long Giang, Trung Quốc), lúc này chỉ còn khoảng 140 người tùy tùng được đi theo.

Để tăng thêm sự sỉ nhục, khoảng 300 thê thiếp hoặc công chúa, quận chúa nhà Tống bị nhà Kim bắt đến Tẩy Y viện (洗衣院) làm tạp dịch, nhiều người trong số đó còn bị bắt làm kỹ nữ phục vụ cho quý tộc, tướng lĩnh nhà Kim hoặc bị quý tộc nhà Kim nạp làm thê thiếp, thậm chí bị đem ban thưởng như chiến lợi phẩm (Tháng giêng năm Thiên Hội thứ 6 (1128), khi sứ giả Nam Tống Vương là Luân đến Vân Trung, tể tướng Kim là Hoàn Nhan Tông Hàn đem 1 người đàn bà và 1 người con gái trong tông thất nhà Tống tặng cho ông ta; lại đem 1 người con gái tông thất tặng cho sứ giả đi theo là Chu Tích. Vì Chu Tích không nhận nên bị xử tử).

Sự biến Tĩnh Khang là mối hận to lớn chưa từng thấy đối triều đình và thần dân nhà Tống, và cũng là nỗi nhục hiếm thấy đối với 1 triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Tháng 6 năm 1135, Hôn Đức công qua đời ở thành Ngũ Quốc, thọ 53 tuổi. Tháng 2 năm 1141, nhân Kim - Tống bàn chuyện nghị hòa nên Kim chủ hạ lệnh truy phong Hôn Đức công làm Thiên Thủy quận vương, thăng Trọng Hôn hầu làm Thiên Thủy quận công. Năm 1142, sau hòa ước Thiệu Hưng, Kim cho phép mẹ Cao Tông là Vi thái hậu đưa thi hài ông được triều Nam Tống đưa về nước, táng tại Vĩnh Hữu lăng, đất Cối Kê[28].